Không chỉ khiến du khách mê đắm bởi vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, núi rừng mà vùng Tây Bắc còn níu chân người đến với nền văn hóa lễ hội và ẩm thực đặc sắc, mang những nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Hãy cùng Cet.edu.vn khám phá những nét đẹp trong đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực của Tây Bắc trong bài viết sau đây nhé!
Đặc trưng văn hóa lễ hội vùng Tây Bắc
“Đa phần đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc làm nông nghiệp theo mùa vụ, vì thế các lễ hội có chức năng kết nối cộng đồng, như một “mệnh lệnh thiêng”” – TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Văn hóa lễ hội của vùng Tây Bắc rất đa dạng và mang nhiều nét độc đáo riêng.
(Ảnh: Internet)
Hằng năm cứ mỗi độ xuân sang, khi hoa ban đã nở trắng rừng, khi măng non nhú những mầm đầu tiên cũng là lúc bà con dân tộc Xinh Mun tỉnh Sơn La tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sà Típ, tức Lễ hội cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc cho con người mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi. Lễ hội này được tổ chức vào sau dịp Tết Nguyên đán ở từng nhà, mỗi bản bao nhiêu nhà là có bấy nhiêu ngày hội. Sau nghi lễ cúng bái thần linh, bà con bắt đầu tiệc rượu trong tiếng chuông trống tưng bừng, mọi người nắm tay múa xòe quanh cây nêu giữa nhà, mời nhau uống rượu cần, chúc tụng một năm mới an khang, sung túc.
Hay vào dịp cuối năm cũ, gần năm mới, đồng bào dân tộc Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang lại tổ chức lễ hội Quỹa Hiéng, còn gọi là Lễ hội qua năm. Các gia đình trong bản sẽ chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Khi lễ vật đã đầy đủ, thầy cúng thổi một hồi tù và như một lời tuyên bố mở hội, cúng mời thần linh cùng tất cả những người đã khuất về dự lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Dao đỏ.
Bên cạnh các lễ hội mùa xuân như hội Lễ hội Quỹa Hiéng của người Dao đỏ, Lễ hội Hoa ban của người Thái, Lễ hội Lộc hoa của người Xinh Mun, Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng, lễ cúng bản của người Hà Nhì, Lễ hội Gầu Tào của người Mông, Tết Nào pê chầu của người Mông đen… cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc còn tổ chức nhiều lễ hội gắn với mùa màng, với thiên nhiên như lễ hội Lồng tồng, Lễ cúng rừng…
Lễ hội hoa ban Điện Biên là một trong nhiều lễ hội nổi tiếng ở vùng Tây Bắc.
(Ảnh: Internet)
Tùy theo phong tục của từng địa phương, từng dân tộc, lễ hội được tổ chức khác nhau, nghi thức có khác nhau, nhưng đều có chung một ý nghĩa là tổ chức nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới. Trong lễ hội này, các cộng đồng dân cư tạ ơn thần linh, cầu mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui… Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tụng nhau, trai gái trong bản thì giao lưu, kết bạn.
Không chỉ sở hữu văn hóa lễ hội đặc sắc, Tây Bắc “hút hồn” không ít thực khách với vô số món ăn ngon vô cùng độc đáo, để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng khó quên. Hãy cùng Cet.edu.vn điểm qua những nét đặc trưng nhất của ẩm thực Tây Bắc nhé.
Đặc trưng văn hóa ẩm thực Tây Bắc
Tây Bắc là nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống, mỗi dân tộc thiểu số đều có những món ăn truyền thống riêng, mang đậm sắc thái dân tộc mình. Người H’Mông có món mèn mèn, người Tày nổi tiếng với thắng cố, người Thái được biết đến nhiều qua các món nướng cá, gà, thịt lợn… Đặc điểm khác biệt nổi bật chính là không gian và thời gian thưởng thức những món ăn này của các dân tộc.
Nguyên liệu chế biến vô cùng phong phú
Với đặc trưng địa hình rừng núi bao quanh, Tây bắc có rất nhiều nguyên liệu chế biến món ăn cực kỳ đặc sắc, không nơi nào khác có được. Có thể kể đến như: mắc khén, hạt dổi, măng rừng, mật ong rừng, gạo Điện Biên…
Mắc khén – Đệ nhất gia vị Tây Bắc
Mắc khén – thứ gia vị độc nhất của núi rừng Tây Bắc.
(Ảnh: Internet)
Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng có “một không hai” của nó.
Mật ong rừng tự nhiên
Mật ong rừng Mù Cang Chải được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên giữ nguyên hương thơm, vị ngọt tự nhiên và hoàn toàn nguyên chất. Đây là đặc sản quý giá nhất của núi rừng Tây Bắc được nhiều du khách yêu thích.
Hạt dổi Tây Bắc
Hạt dổi cũng là gia vị không thể thiếu để tẩm ướp các món nướng như gà nướng, thịt ba chỉ nướng, sườn nướng… Hạt dổi sẽ được giã nhỏ trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc thì không một thứ nước chấm nào có thể sánh được hay đơn giản nhất, chấm xôi trắng với muối rang hạt dổi thôi cũng đã đủ thơm ngon.
Hạt dổi Tây Bắc dùng để tẩm ướp hoặc làm nước chấm.
(Ảnh: Internet)
Gạo Điện Biên nổi tiếng cả nước
Gạo đặc sản Tây Bắc có thể kể đến như: Gạo Bắc Hương Điện Biên, gạo Tám Điện Biên, gạo Séng Cù ( Bát Xát Lào Cai), gạo Tả Cù (gạo đặc sản Mường Tè Lai Châu), nếp Nương Điện Biên, nếp Tú Lệ… Nổi tiếng nhất là Điện Biên, vùng đất không những nổi tiếng với chiến công lừng lẫy năm châu, chiến thắng Điện Biên Phủ, mà còn là vựa gạo đặc sản vùng Tây Bắc.
Điểm danh những món ăn đặc sản của ẩm thực Tây Bắc
Tây Bắc nổi tiếng với những món ăn mang nét đặc trưng độc đáo đã tạo nên sức hút khó cưỡng đối với du khách phương xa. Dưới đây là một số đặc sản nổi tiếng nhất của Tây Bắc mà các bạn không nên bỏ qua khi đến đây.
Pa pỉnh tộp
“Pa pỉnh tộp” là tên gọi món cá suối nướng độc đáo nhưng không kém phần hấp dẫn của đồng bào Thái vùng Tây Bắc. Đây là món ăn không chỉ có giá trị ẩm thực mà còn là thước đo đánh giá bàn tay khéo léo của người chế biến.
Pa pỉnh tộp là món cá nướng độc đáo đậm chất ẩm thực Tây Bắc.
(Ảnh: Internet)
Thắng cố
Thắng cố là món ăn đặc trưng truyền thống của người H’mông, về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Từ thắng cố là biến âm của tiếng “Thoảng cố” theo tiếng Mông có nghĩa là “nồi nước”. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu và thịt lợn. Gia vị truyền thống gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm và tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào.
Thắng cố – đặc sản ẩm thực H’Mông gây thương nhớ.
(Ảnh: Internet)
Thịt gác bếp
Thịt gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái Đen dùng để thiết đãi khách quý được chế biến từ bắp của trâu, bò, lợn thả nhong trên các vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là một món nhắm rất hấp dẫn và được nhiều người miền xuôi yêu thích.
Trâu gác bếp là món đặc sản ai cũng muốn một lần thử qua khi ghé thăm Tây Bắc.
(Ảnh: Internet)
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn mở mang vốn hiểu biết khi tìm hiểu đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực của Tây Bắc. Nền văn hóa lễ hội và ẩm thực của vùng Tây Bắc vô cùng đặc sắc và phong phú. Vì thế, nếu có dịp ghé qua vùng Tây Bắc thì đừng bỏ qua cơ hội hòa mình vào nền văn hóa đa dạng, độc đáo này nhé.
Bên cạnh đó, đặc trưng văn hóa miền Trung cũng không kém cạnh, không có núi rừng hùng vĩ nhưng lại có biển cả bao la và một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc nếu bạn chưa biết thì hãy cùng CET khám phá ngay nhé.
Ban đầu được đăng bởi: Trường Trung Cấp Kinh Tế – Du Lịch https://www.cet.edu.vn/nau-an/kham-pha/van-hoa-am-thuc-tay-bac
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét