Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Tìm hiểu đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực Cần Thơ

Là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ mang những nét đặc trưng của văn hóa miền Tây sông nước. Hơn thế nữa, do đặc điểm là nơi sinh sống của 3 dân tộc Việt – Khmer  – Hoa, Cần Thơ có nhiều lễ hội cũng như một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, bắt nguồn từ tập quán cổ truyền và tín ngưỡng của mỗi dân tộc tạo nên. Tìm hiểu đặc trưng lễ hội và văn hóa ẩm thực Cần Thơ là một quá trình thú vị dành cho những ai yêu thích mảnh đất giàu trù phú này.

Những lễ hội đặc sắc của Cần Thơ

Những lễ hội truyền thống của Cần Thơ với những nét tiêu biểu và đặc sắc riêng tạo thành một bức tranh đa màu sắc cho văn hóa lễ hội Cần Thơ.

Lễ hội cúng đình Bình Thủy

Lễ hội cúng đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy ở Cần Thơ hàng năm diễn ra 2 kỳ lễ hội lớn.
(Ảnh: Internet)

Hàng năm, tại đình Bình Thủy, có 2 kỳ lễ hội lớn nhất năm gắn liền với dấu ấn sản xuất nông nhiệp, được tổ chức long trọng:

– Lễ Thượng điền: lễ Cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới (ngày 14 và 15 tháng 4 Âm lịch).

– Lễ Thượng điền: lễ Tạ ơn và cúng ruộng đồng nghỉ ngơi (ngày 15 tháng chạp Âm lịch).

Trong những ngày này thu hút khách thập phương và dân làng tấp nập về dự lễ cúng đình, tế lễ. sau phần lễ được tổ chức long trọng là phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong lễ cúng đình nên dân làng tham gia rất đông đủ. Mọi người ăn mặc chỉnh tề đến tham gia diễn trò, diễn tuồng đến các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, đấu vật… thể hiện nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay

Vào ngày 13,14,15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đông đảo đồng bào người Khmer Nam Bộ chủ yếu tập trung tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang lại nô nức đón mừng lễ Cholchnam Thmay. Ngày này được xem như ngày Tết cổ truyền của dân tộc Khmer, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như lễ đón năm mới hay lễ chịu tuổi. Đặc biệt, nếu rơi vào năm nhuận thì ngày bắt đầu tổ chức ngày hội sẽ lùi lại 1 ngày.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay

Người Khmer vào chùa dâng lễ Phật vào ngày đầu năm mới.
(Ảnh: Internet)

Thời gian này mọi công việc đồng áng gần như đã hoàn thành nên các gia đình có nhiều thời gian rãnh rỗi thỏa sức ăn Tết. Các nhà sẽ làm bánh ngọt, bánh tét, hoa quả và hương đèn lên chùa dâng lên lễ Phật. Nhiều gia đình tình nguyện vào chùa làm công quả, vừa giúp đỡ nhà chùa vừa được vui chơi lễ. Trong đêm giao thừa, các gia đình đều làm lễ tiễn đưa vị thần Têvôđa của năm cũ và chào đón vị thần Têvôđa năm mới. Theo quan niệm của người Khmer, thần Têvôđa là một vị tiên do nhà Trời cử xuống chăm sóc một năm, mỗi năm lại thay thế một vị khác.

Lễ tắm tượng Phật mừng năm mới

Lễ tắm tượng Phật diễn ra vào ngày cuối cùng của dịp Tết cổ truyền Chol Cham Thmay (ngày 16 tháng 4 Âm lịch) được xem là nghi thức có ý nghĩa nhất đối với người dân tộc Khmer. Trong lễ tắm Phật, các nhà sư cùng Phật tử Khmer thực hiện nghi thức tắm tượng Phật bằng nước ướp hương. Nghi thức này có ý nghĩa tiễn đưa sự nóng bức, khô cằn của năm cũ và đón tiếp nguồn nước của năm mới cho vạn vật sinh sôi. Đồng bào Khmer cũng quan niệm những điều bụi bặm và không may của năm cũ cần phải được gột rửa để bước vào năm mới với thân thể thanh sạch, tinh khiết nhất.

Trong dịp lễ này, mỗi gia đình tự chuẩn bị nước ướp hương làm từ các loại hoa thơm để mang đến chùa. Sau khi lễ tắm Phật kết thúc, mọi người sẽ dành lại một phần nước ướp hương mang về nhà để dâng lên ông bà, cha mẹ.

Lễ tắm Phật

Lễ tắm Phật trong ngày Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.
(Ảnh: Internet)

Lễ hội Chùa Ông

Hàng năm tại Chùa Ông diễn ra rất nhiều ngày lễ đặc sắc gắn liền với các sự kiện tại địa phương. Ngày lễ lớn nhất trong năm là “Lễ Vu Lan” mùng 7 tháng 7 Âm lịch, kéo dài khoảng 2 – 3 ngày. Ngoài ra phải kể đến các ngày lễ vía theo Âm lịch: ngày 2/2 ngày vía ông Bổn, ngày 23/3 lễ vía Thiên Hậu Thánh mẫu, ngày 13/ 5 lễ vía Quan Bình; ngày 24/ 6 lễ vía Quan Thánh Đế; ngày 30/ 10 lễ vía Quan Châu.

Vào những ngày lễ Tết, đông đảo người đại phương và du khách từ khắp nơi đổ về đây dâng hương cúng viếng. Loại nhang được dùng nhiều nhất trong lễ cúng là nhang khoanh, một loại nhang hình xoắn ốc truyền thống của người Hoa, giữa vòng xoắn ốc có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng có ghi tên người cúng bằng tiếng Hoa. Kho đốt lên, khói nhang bay phảng phất tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiệm và huyền ảo, đậm chất tín ngưỡng.

Văn hóa ẩm thực Cần Thơ – những món ăn không nên bỏ qua

Mảnh đất Cần Thơ không chỉ cuốn hút du khách thập phương với cảnh đẹp “đất lành chim đậu”, đất đai trù phú thẳng cánh cò bay mà còn nổi tiếng với nền ẩm thực mang đậm dấu ấn của miền Tây sông nước. Nếu có dịp ghé qua Cần Thơ, đừng quên thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng sau đây.

Lẩu mắm

Lẩu mắm được xem là “linh hồn” của ẩm thực miền Tây sông nước. Từ những món mắm hết sức dân dã như mắm cá linh, cá lóc, cá sặc,… người miền Tây đã sáng tạo ra món lẩu “cao sang” luôn có mặt trong các bữa tiệc quan trọng hoặc để dùng đãi khách trong gia đình. Nồi lẩu mắm chẳng những thơm ngon mà còn đầy ắp các nguyên liệu hải sản, cá, tôm và vô vàn loại rau đặc sản chỉ miền Tây mới có. Lẩu mắm với thứ nước dùng ngon ngọt từ mắm là món ngon níu chân bao du khách khi ghé thăm Tây Đô sầm uất.

Lẩu mắm

Nhắc đến món ngon vật lạ Cần Thơ thì không thể bỏ qua lẩu mắm trứ danh.
(Ảnh: Internet)

Bánh xèo

Bánh xèo là loại bánh “đặc sản” của ẩm thực Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Tiếng” xèo” nghe vui tai là âm thanh phát lên khi đổ bột vào chảo nóng ấy không biết từ khi nào trở thành tên gọi của một món ăn ai cũng yêu thích. Bánh xèo có nhân thịt tôm hòa quyện cùng đậu xanh nấu chín, giá hẹ hay bông điên điển, củ hũ dừa, củ sắn. Nước chấm chua ngọt pha cùng củ cải và cà rốt ngâm chua.

Bánh xèo miền Tây có vỏ giòn rụm nhưng không cứng, béo bùi thơm mùi nước cốt dừa, chấm mắm ăn kèm với nhiều loại rau sống tươi ngon. Bên cạnh đó, nhân bánh có thể thay đổi tùy vào sở thích của người chế biến.

Bánh tét lá cẩm

Nhắc đến ẩm thực Cần Thơ thì không thể bỏ qua món bánh tét lá cẩm trứ danh khắp vùng. Đây là loại bánh truyền thống của nhà họ Huỳnh tại Cần Thơ, xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, bánh không chỉ nổi tiếng ở Cần Thơ mà còn tiếp tục lan rộng khắp miền Tây.

Bánh tét lá cẩm

Bánh tét lá cẩm là đặc sản Cần Thơ nổi tiếng khắp miền Tây sông nước.
(Ảnh: Internet)

Bánh tét lá cẩm Cần Thơ mang mùi vị thơm ngon “có một không hai”. Mùi thơm của lá cẩm, vị béo ngậy của thịt và nước cốt dừa hòa quyện với nhân đậu xanh khiến bất cứ ai cũng khó lòng cưỡng lại. Nếp phải là loại nếp ngon, thịt làm nhân được lựa chọn kỹ lưỡng và tẩm ướp gia vị theo công thức gia truyền. Đây được xem là món ăn đặc sắc của văn hóa ẩm thực Cần Thơ.

Trái cây miệt vườn

Miền Tây được mệnh danh là vựa trái cây lớn nhất cả nước và dĩ nhiên Cần Thơ cũng nằm trong số đó. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì thế mà bốn mùa ngập tràn hoa thơm quả ngọt. Vì vậy các khu du lịch sinh thái miệt vườn được ưu tiên đẩy mạnh dịch vụ du lịch nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi được thăm quan và thưởng thức trái cây ngay tại vườn.

Bánh tầm bì

Bánh tầm bì

Bánh tầm bì là món ngon miền Tây không nên bỏ qua.
(Ảnh: Internet)

Loại bánh này xuất hiện khá phổ biến ở các tỉnh thành miền Tây, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến bánh tầm bì Cần Thơ. Loại bánh này là sự kết hợp giữa hai nguyên liệu chính là bánh tầm và bì. Bánh tầm làm từ bột gạo được pha chế đúngliều lượng, ép bằng khuôn rồi được hấp chín.

Phần bì là thịt và da heo luộc mềm, lạng mỏng, xắt sợi, trộn vào nhau cùng với thính gạo, tỏi tươi băm nhuyễn, tỏi phi vàng, đường muối… được bày ra đĩa với chút dưa leo, rau thơm, nước cốt dừa béo ngậy, bên trên chan thêm muỗng mỡ hành đầy hấp dẫn. Bánh tầm bì Cần Thơ ăn kèm nước mắm ớt cay cay ngọt ngọt là món ngon ăn một lần nhớ mãi không thôi.

Bún cá

Bún cá là một “ngôi sao” khác trong danh sách món ngon của ẩm thực Cần Thơ. Điểm nổi bật đặc trưng của món bún này là nước dùng ngọt thanh, thơm mùi ngải bún – một loại củ bắt nguồn từ Campuchia. Cá được rim vàng ươm từ nghệ tươi, khi dùng chấm với nước mắm me. Bún cá ăn cùng nhiều loại rau xanh mát như rau đắng, giá, chuối bào… Đặc biệt với người miền Tây, ăn bún cá không có bông điên điển thì mất vài phần ngon. Vì vậy hãy lưu ý khi thưởng thức món ăn này nhé.

Nếu có dịp ghé thăm Cần Thơ – trung tâm du lịch, văn hóa, kinh tế của Đồng Bằng Sông Cửu Long, bạn đừng bỏ qua cơ hội tìm hiểu nét đặc sắc văn hóa Cần Thơ và thưởng thức những đặc sản Cần Thơ để cảm nhận được những thú vị mà mảnh đất trù phú này mang đến. Những bất ngờ đang chờ đón bạn đấy!



Nguồn từ: Trường Trung Cấp Kinh Tế – Du Lịch https://www.cet.edu.vn/nau-an/kham-pha/am-thuc-can-tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[THỦ THUẬT] Cách viết mẫu SƠ YẾU LÝ LỊCH xin việc chuẩn không cần chỉnh

Việc chuẩn bị đầy đủ sơ yếu lý lịch là một điểm cộng giúp bạn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, tạo lợi thế cho bản thân ngay từ phút ba...