Cream cheese là nguyên liệu cơ bản trong rất nhiều món tráng miệng và làm kem để trang trí các loại bánh. Cet.edu.vn sẽ giới thiệu đến bạn cream cheese là gì, cũng như cách làm và cách bảo quản chúng!
Cream cheese là gì?
Cheese trong tiếng việt là phô mai. Vậy cream cheese chính là kem phô mai, loại phô mai này có màu trắng, mềm, có vị chua mặn nhẹ đặc trưng nên các món tráng miệng, bánh làm từ cream cheese tuy béo nhưng lại không ngấy.
Hiện nay, trên thị trường có 2 loại cream cheese Philadelphia và Anchor phổ biến và dễ kiếm nhất. Một lý do nữa mà cream cheese được yêu thích và sử dụng nhiều là do nó có giá thành rẻ hơn các loại cheese khác.
Cream cheese dùng để làm gì?
Những chiếc bánh cheesecake (bánh phô mai) thơm mềm, béo như: Red Velvet, bánh Cà rốt… đều được làm với thành phần chính là cream cheese. Ngoài ra, những lớp kem phủ bằng cream cheese cũng là một lựa chọn hoàn hảo để trang trí chiếc bánh của bạn.
Ngoài ra, cream cheese còn xuất hiện trong một số công thức làm nước xốt trong các món ăn như: thịt xông khói, mỳ ống… Với các bạn nhỏ, những chiếc bánh mì hoặc cracker chấm cream cheese cũng là một món ăn vô cùng thú vị.
Cách làm cream cheese
Nguyên liệu và dụng cụ: 1 lít sữa tươi có đường, 2 hộp sữa chua, 1 khăn xô trẻ em.
Cách làm:
– Đun nóng sữa tươi ở mức ấm ấm là vừa, không được đun sôi.
– Cho sữa chua vào, khuấy đều. Sau đó, bạn cho hỗn hợp đó vào một bình thủy tinh sạch, đậy kín.
– Cho ít nước ấm theo tỉ lệ 2 sôi : 1 lạnh vào thùng xốp hoặc nồi cơm điện, đặt bình thủy tinh lên trên. Ủ trong khoảng 5-7 tiếng cho đông lại thành sữa chua.
– Trút vào khăn xô, cột miệng chặt, treo lên cao, ở dưới đặt một cái tô để hứng nước chảy ra.
– Sau 7 – 8h là cream cheese của bạn đã hoàn thành.
Cách bảo quản cream cheese
Cream cheese là một loại nguyên liệu rất nhạy cảm với vi trùng. Vì vậy để bảo quản cream cheese sử dụng được lâu, khi lấy ra nên dùng dao hay muỗng sạch, sau đó bọc kín cream cheese và cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
Nếu cream cheese bị đông đá, các bạn có thể cho chúng và một chút sữa tươi có đường vào máy xay sinh tố và xay mịn là có thể sử dụng như bình thường. Lượng sữa cho vào tuỳ theo độ đặc của cream cheese thành phẩm mà bạn muốn.
Phân biệt cream cheese với các loại cheese khác
– Parmesan: đây là loại phô mai đặc trưng nhất trong món pasta. Parmesan là loại cheese cứng, làm từ sữa bò và phải mất tối thiểu 1 năm, thường là 2 đến 3 năm ủ để phô mai đạt đến độ “chín”.
– Mozzarella: loại phô mai khá mềm, có màu từ trắng đến ngả vàng, thường được dùng làm lớp phủ của món bánh pizza, khi nướng lớp phô mai chảy ra thành lớp dai dai, dính dính tạo mùi thơm ngon cho món bánh. Mozzarella được làm từ sữa trâu nước hoặc sữa bò.
– Cheddar: loại cheese này có màu vàng nhạt ngả trắng có nguồn gốc từ làng Cheddar (Anh Quốc). Phô mai lát Cheddar thường được dùng trong bánh hamburgers, các loại bánh mì sandwich, các món nướng như pasta nướng hay pizza, hoặc casserole, rissotto.
– Mascarpone: thực chất, đây không hẳn là phô mai dù nó thường được gọi như vậy. Bởi đây là sản phẩm được tạo nên khi thêm một thành phần phụ gia vào quá trình tách kem khỏi sữa. Loại cheese này mềm, màu trắng, tươi, dùng để làm ra món bánh tiramisu. Mascarpone cũng có thể dùng để làm bánh cheesecake và risotto.
– Blue cheese: là các loại phô mai có đốm xanh hoặc xanh xám hoặc xanh pha màu lam. Chính thành phần màu xanh lam này tạo nên mùi vị đặc trưng của blue cheese. Loại cheese này được làm từ sữa bò, sữa cừu hoặc sữa dê, rất thích hợp để ăn kèm với hoa quả, crackers hoặc rượu vang.
– Ricotta: có nguồn gốc từ Italia và được làm từ nước tách từ sữa bò hoặc sữa cừu. Loại phô mai này mềm, có màu trắng, vị hơi ngọt và rất ít béo, được dùng để làm các món tráng miệng của Ý hoặc cheesecake, cookie hoặc một số loại pizza, pasta.
Hy vọng với bài viết hôm nay, cet.edu.vn đã giới thiệu được đến bạn cream cheese là gì, cách làm và cách bảo quản cream cheese. Chúc bạn làm được nhiều món tráng miệng, bánh ngon với cream cheese nhé!.
Trong thế giới bánh rất phong phú các loại nguyên liệu. Nếu bạn đang thắc mắc Cream of Tartar là gì? Tác dụng và Cách sử dụng như thế nào? Thì hãy tham khảo bài viết tại trang Kiến Thức Ẩm Thực của CET nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét