Nếu làm trong nghề nhà hàng khách sạn, chắc chắn bạn sẽ quá quen với hai từ “khẩu nghiệp”. Vậy tại sao nhân viên nhà hàng khách sạn hay thường hay khẩu nghiệp? Có lợi gì không mà họ lại khẩu nghiệp hầu như mỗi ngày? Cùng CET đọc bài viết sau nhé.
Khẩu nghiệp là gì?
Trước hết, chúng ta hãy cùng làm rõ khẩu nghiệp là gì. Khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này.
Theo Phật dạy thì trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời hung ác; nói lưỡi đôi chiều và nói lời thêu dệt.
Khẩu nghiệp là thói quen của nhiều nhân viên nhà hàng khách sạn
(Nguồn ảnh: Internet)
Khẩu nghiệp được chia thành hai loại:
– Khẩu nghiệp lành: lời nói tạo ra kết quả tốt, đem lại lợi ích cho người nói và những người liên quan.
– Khẩu nghiệp ác: lời nói tạo ra hậu quả xấu, làm hại cho người nói, những người liên quan, cộng đồng, xã hội.
Đa phần chúng ta hiện nay đều hiểu và sử dụng từ khẩu nghiệp theo nghĩa là khẩu nghiệp ác, đặc biệt trong ngành nhà hàng khách sạn.
Tại sao nhân viên thường khẩu nghiệp?
Khẩu nghiệp là “đặc sản” của nhân viên làm nghề nhà hàng khách sạn. Vậy tại sao nhân viên thường khẩu nghiệp?
Có thể thấy, nhà hàng khách sạn nói riêng và ngành dịch vụ nói chung sẽ có môi trường làm việc với chằng chịt các mối quan hệ khác nhau: đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên, cấp dưới… khiến nhân viên chịu rất nhiều tầng áp lực.
Thử tưởng tượng nào, mỗi ngày gặp những vị thượng đế với đủ thứ kiểu yêu cầu, than phiền “trời ơi đất hỡi” như vào nhà hàng buffet lại hỏi có bọc đựng mang về không, than phiền đi khách sạn nhiều rồi mà chả chỗ nào giữ chứng minh nhân dân như ở đây, rồi lại biến căn phòng khách sạn sạch sẽ, tinh tươm trước đó thành một bãi rác… Chắc hẳn nhân viên khách sạn dù là vị trí nào khi nhìn vào cũng phát bực.
Khẩu nghiệp là cách để nhân viên giải tỏa cơn bực dọc đang chực chờ bùng nổ
(Nguồn ảnh: Internet)
Chưa hết, hằng ngày phải đối diện với đồng nghiệp ưu xu nịnh, cậy quen biết rồi đổ hết việc khó cho mình, trong khi tiền tip thì phỗng tay trên (tuy nhiên không phải chỗ nào cũng như thế). Hay gặp quản lý suốt ngày bới lông tìm vết, cố moi móc lỗi nhỏ của nhân viên để bắt lỗi, ngày nào cũng bắt nhân viên tăng ca, đi sớm, về trễ…
Bị nhiều tầng áp bức như vậy, dĩ nhiên nhân viên nhà hàng khách sạn sẽ chọn cách khẩu nghiệp để giải tỏa tâm lý, thông qua nói xấu sau lưng hoặc mang lên mạng xã hội. Như đã nói bên trên, khẩu nghiệp bao gồm chuyện không nói có, nói hai lời… nhưng với nhân viên ngành này thì đa phần sẽ là nói tục, chửi rủa…
Làm thế nào để hạn chế khẩu nghiệp?
Vậy làm thế nào để hạn chế khẩu nghiệp? Chúng ta nên khẩu nghiệp ở mức nào là phù hợp và ít-gây-thiệt-hại nhất?
Nếu chọn đi theo nghề dịch vụ, bạn nên xác định tâm lý rằng khách sẽ “9 người 10 ý”. Có những khách vô cùng dễ thương, luôn mỉm cười chào nhân viên trước khi nhân viên kịp chào, được báo thức đúng giờ nhưng khách cảm ơn nhân viên đến 3 – 4 lần, không chỉ để lại tiền tip còn viết thư cảm ơn vô cùng chân thành … thì cũng sẽ có khách cực kỳ khó chiều, gây ra những chuyện “trời ơi đất hỡi”, “từ trên trời rơi xuống”, không tài nào thỏa mãn được. Khi “tư tưởng không thông thì mang bình tông cũng nặng” nên nếu đã xác định rõ tư tưởng ấy thì bạn sẽ xem những trở ngại trong nghề nghiệp như là điều hiển nhiên và dễ chấp nhận hơn.
Khi cảm thấy khó ở về chuyện gì đó hay có xích mích với ai đó, chúng ta có khuynh hướng muốn than vãn, thậm chí là chửi bậy với mục đích là để bõ tức và đỡ khó chịu. Ở góc nhìn tâm lý, hành động này rất nên làm vì nó giúp bạn giải quyết được nhu cầu xả cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, hành động “xả cảm xúc” đó được xem là đúng về động cơ nhưng sai về phương pháp.
Vì vậy, khi hoàn cảnh tiêu cực xảy ra, bạn có thể nói với bản thân mình rằng mọi chuyện đều ổn hay cứ bình tĩnh vì mọi thứ sẽ đâu vào đó. Việc lặp đi lặp lại nhiều lần điều này là cách bạn huấn luyện cho bộ não của mình không phản ứng vô thức mà luôn nhìn mọi việc tiêu cực theo chiều hướng tích cực nhất có thể.
Tổng kết
Khi bạn phản ứng với hoàn cảnh bằng năng lượng tích cực, bạn sẽ nhận lại được năng lượng tốt từ vũ trụ, còn khi bạn phản ứng với hoàn cảnh bằng năng lượng tiêu cực thì năng lượng xấu từ vũ trụ sẽ trả lại chọ bạn. Đấy gọi là lý giải ứng dụng của định luật vạn vật hấp dẫn trong cuộc sống. Bạn có thể áp dụng định luật này vào “công cuộc khẩu nghiệp” của bạn, đặc biệt trong nghề nhà hàng khách sạn.
Nguồn từ: Trường Trung Cấp Kinh Tế – Du Lịch https://www.cet.edu.vn/quan-tri-nha-hang-khach-san/ky-nang/khong-duoc-chui-khach-hang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét